Suy Niệm Lời Chúa | Thứ Năm Tuần XI Mùa Thường Niên | Mt 6,7-15 | Phút Cầu Nguyện

SUY NIỆM LỜI CHÚA
THỨ NĂM TUẦN XI MÙA THƯỜNG NIÊN

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (6,7-15)

7 Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. 9 Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này: ‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, 10 triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. 11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; 12 xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; 13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ’. 14 Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em”.

SUY NIỆM

Cầu nguyện luôn là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống con người. Đặc biệt, cầu nguyện được coi như là hơi thở của đời sống Kitô hữu. Một người sẽ không phải là Kitô hữu nếu người đó không cầu nguyện. “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí (Lc 18,1), đây là một huấn lệnh mà Đức Giêsu yêu cầu môn đệ của Người phải thực hiện. Đức Giêsu sử dụng hình ảnh: người thẩm phán bạo ngược (x. Lc 18,1-5), hình ảnh người bạn xin bánh (x. Lc 11,5-8) để nhắc nhở các môn đệ của Người về sự kiên trì trong cầu nguyện. Huấn lệnh này cũng được thánh Phaolô nhắc lại cho các cộng đoàn của ngài: Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng (1Tx 5,16-17). Thế nhưng, Thiên Chúa tạo dựng con người có hồn và xác, nghĩa là, trong đời sống, con người không chỉ là những hoạt động siêu nhiên, nhưng còn có những hoạt động cho nhu cầu của đời sống vật chất và tinh thần. Nhất là trong xã hội ngày nay, con người có xu hướng đề cao đời sống vật chất và chạy theo những hào nhoáng bên ngoài. Vì thế, nếu không cẩn thận, chúng ta dễ có nguy cơ vật chất hóa đời sống cầu nguyện, biến lời cầu nguyện trở thành cách thức để đánh bóng vẻ hào nhoáng bên ngoài.

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho thấy: trước hết, lời cầu nguyện chân thật đều phải dâng lên và hướng về Thiên Chúa. Thiên Chúa là trung tâm của đời sống cầu nguyện. Sai lầm mà chúng ta dễ vấp phải là: lời cầu nguyện của mình hướng đến cử tọa lắng nghe hơn là hướng đến Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện với người đời chứ không phải với Chúa. Một người cầu nguyện với những lời văn hoa trau chuốt và cách trình bày hùng hồn thì có nguy cơ lời cầu nguyện chỉ dừng lại ở cử tọa. Người cầu nguyện chỉ quan tâm làm cho dân chúng cảm kích chứ không phải đang tiếp xúc với Chúa. Bất kể cầu nguyện chung hay cầu nguyện riêng, chúng ta không nên có tư tưởng nào đó trong lòng ngoài Chúa.

Tiếp đến, chúng ta phải luôn xác tín rằng, Thiên Chúa mà chúng ta cầu nguyện là Thiên Chúa yêu thương. Ngài sẵn sàng đáp lời hơn là chúng ta sẵn sàng cầu nguyện. Phúc lành và ân huệ Chúa ban, không phải do nài ép Ngài. Chúng ta đến với Chúa không cần phải nịnh hót, quấy rầy và đập mạnh cửa mới được Ngài đáp lời. Chúng ta đến với Thiên Chúa là Đấng mà ước muốn duy nhất của Ngài là ban cho. Vì thế, chúng ta cần đến với Chúa với ao ước trong lòng và trên môi có lời “ý Cha được thực hiện” là đủ. Thật vậy, cầu nguyện không bao giờ là một thứ cố gắng uốn ý Chúa xuôi theo lòng ao ước chúng ta. Cầu nguyện bao giờ cũng phải là sự cố gắng đem ý muốn chúng ta thuận phục ý Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết đặt Chúa làm trung tâm của đời sống chúng con. Xin cho ý Chúa được thể hiện qua đời sống chúng con. Amen.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.